Những tấm bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là minh chứng cho truyền thống hiếu học và trọng sĩ của dân tộc. Mỗi tấm bia với dòng chữ Nho cổ kính được coi như một trang sử vàng ghi lại tên tuổi lẫy lừng của 1.307 bậc sĩ phu, những người đã góp phần xây dựng nên nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc.
Từ những ngày đầu xây dựng nhà nước phong kiến, việc tìm kiếm và trọng dụng nhân tài luôn được các triều đại xem trọng. Kể từ năm 1442, những người tài hoa đỗ đạt cao nhất trong các kỳ thi quốc gia đều được khắc tên lên bia đá đặt tại Văn Miếu, kinh đô Thăng Long. Đó là cách để triều đình ghi nhớ công lao của họ và lưu truyền danh thơm mãi với thời gian.
Văn Miếu không chỉ là nơi thờ phụng Khổng Tử mà còn là một bảo tàng sống động tái hiện những thành quả rực rỡ của nền giáo dục Việt Nam xưa. 82 tấm bia đá tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là những trang sử vàng, ghi dấu hành trình của nền giáo dục Việt Nam và vinh danh 1.307 vị tiến sĩ tài năng tạo nên một kho tàng văn hóa độc đáo của dân tộc.
Giá trị đặc biệt của bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám chính là các bài văn bia (bài ký) được viết bằng chữ Hán. Mỗi bài ký là một tác phẩm văn học xuất sắc, phản ánh tư tưởng triết học, lịch sử cùng quan điểm về giáo dục, đào tạo và việc trọng dụng nhân tài của dân tộc. Một bài văn bia thường bao gồm: tiêu đề khoa thi (kết nối giữa trán bia và bài ký), năm tổ chức khoa thi, lời ca ngợi triều đại vua đương thời, tên các quan chức tham gia tổ chức thi như Đề điệu, Giám thí, Độc quyển, Đằng lục…; cách thức tổ chức kỳ thi; cùng thông tin về họ tên và quê quán của những người đỗ đạt. Phần ký trong văn bia cung cấp những thông tin quý giá về lịch sử giáo dục, thi cử và thể hiện quan điểm của nhà nước trong việc đào tạo, phát triển và sử dụng nhân tài.
Tháng 3 năm 2010, tầm quan trọng của bia tiến sĩ đã được Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương công nhận là Di sản tư liệu – Ký ức thế giới của khu vực. Tiếp nối thành công đó, tháng 5 năm 2011, UNESCO chính thức công nhận 82 bia tiến sĩ là Di sản tư liệu thế giới, ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu. Và vào ngày 14 tháng 1 năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã tôn vinh giá trị của bia tiến sĩ bằng cách công nhận chúng là Bảo vật quốc gia.
Khám phá nét đẹp văn hóa của các kỳ thi xưa
Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ là điểm đến quen thuộc của du khách mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng quý báu. Với mong muốn giúp công chúng hiểu rõ hơn về những tấm bia tiến sĩ – biểu tượng của truyền thống hiếu học của dân tộc, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã tổ chức triển lãm chuyên đề “Bia đá kể chuyện” tại chính khuôn viên di tích. Bắt đầu từ ngày 16/1/2025, du khách sẽ có cơ hội khám phá những bí ẩn ẩn chứa sau hoa văn, chữ Nho trên 82 tấm bia tiến sĩ. Từ đó hiểu rõ hơn về các kỳ thi xưa, về những người đỗ đạt và cả một thời kỳ vàng son của nền giáo dục Việt Nam.
Triển lãm “Bia đá kể chuyện” đã mang đến cho công chúng một hành trình khám phá đầy thú vị về văn hóa khoa cử Việt Nam xưa. Trưng bày theo 4 chủ đề: Chiêu mộ hiền tài: giới thiệu một số nét chính về giáo dục khoa cử Nho học của nước ta; Con đường khoa cử: giới thiệu thông tin về thi cử và chế độ đãi ngộ dành cho những người đỗ đạt; Gương sáng tiền nhân: giới thiệu một số danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho giáo dục nước nhà cùng một số lĩnh vực khác; Tài hoa nghệ thuật: Cảm nhận bàn tay tài hoa và thế giới quan phong phú của những nghệ nhân tạo tác bia Tiến sĩ.
Hà Nội, kinh đô ngàn năm văn hiến, tự hào là quê hương của 145 vị tiến sĩ, chiếm một vị trí quan trọng trên bảng vàng danh. Xếp ngay sau đó là Hải Dương với 106 vị tiến sĩ và Bắc Ninh với 87 vị tiến sĩ,… Qua đó, chúng ta có thể hình dung được sự sôi động của các kỳ thi và truyền thống hiếu học của các địa phương này.