Nhà thơ Phạm Quốc Cường vừa chính thức ra mắt tập thơ thứ tám “Bóng Tình”, một tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân, khám phá sâu sắc về tình yêu, cuộc sống và mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ.
Nhà báo Phạm Quốc Cường trong lời ngỏ tập thơ “Bóng Tình” đã chia sẻ một quan niệm sâu sắc về sự giao hòa giữa Thiên – Địa – Nhân. Ông khẳng định chính sự tương tác giữa trời đất và con người đã tạo nên những giá trị tinh thần sâu sắc, tô điểm cho cuộc sống bằng những tình cảm đẹp đẽ.
Hàng triệu tác phẩm văn học, áng thơ ca được sáng tác đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân loại, xóa nhòa khoảng cách giữa con người và đưa mọi người đến gần nhau hơn. Những tác phẩm này không chỉ là tiếng lòng của tình yêu, mà còn phản ánh sự đa dạng của cảm xúc, từ yêu thương, hạnh phúc cho đến giận hờn, thậm chí là thù hận. Tình yêu, với tất cả sự lãng mạn và đớn đau luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thơ, đồng thời cũng là chủ đề muôn thuở trong đời sống của con người ở mọi tầng lớp xã hội.
Khi đề cập đến tình yêu, tác giả luôn khéo léo sử dụng những câu chữ chân thật và gần gũi, đầy cảm xúc, vừa có yêu thương, vừa có hận thù, nhưng trên hết là trách nhiệm và sự gửi gắm. Chỉ với một câu như “…vàng thau em hãy giữ”, người đọc có thể cảm nhận được lời nhắc nhở đầy sâu sắc của tác giả về việc trân trọng những giá trị đã qua, gìn giữ những điều tốt đẹp trong mỗi con người. Cùng với đó, trong các chủ đề về tình cảm gia đình, bạn bè, quê hương và đất nước, tác giả luôn chú trọng đến chữ “tình” với sự chân thành sâu sắc. Những câu thơ như “Tình cha mẹ bao la biển lớn” hay “Nhân gian dù có thế nào/ Làm sao tính nổi biển trời mẹ cha” đã thể hiện rõ nét sự tôn vinh và lòng biết ơn đối với tình cảm gia đình thiêng liêng.
Là người con hiếu thảo, Phạm Quốc Cường luôn tự nhắc nhở bản thân phải kính trọng, yêu quý cha mẹ và trân trọng tuổi già của họ. Bên cạnh đó, tác giả cũng không bao giờ quên nguồn cội, nơi chôn rau cắt rốn của mình – quê hương xứ Nghệ, với tình người nồng ấm, nơi có núi Bác Hồ và dòng Lam hiền hòa. Từ tình yêu quê hương, anh lan tỏa tình yêu đối với đất nước, và nơi anh đặt chân đến, mỗi địa phương đều mang vẻ đẹp và giá trị riêng, từ những di tích lịch sử như Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An cho đến các vùng đất tâm linh như chùa Thầy và Hoàng Thành Thăng Long.
Với bạn bè và đồng nghiệp, Phạm Quốc Cường luôn thể hiện một tinh thần “hào sảng”, trọng chữ tín, coi trọng mối quan hệ giao tiếp, hòa đồng và đoàn kết. Trong quan hệ với các thế hệ đi trước, tác giả luôn giữ sự tôn kính, học hỏi và đề cao lễ nghĩa.
Tác giả Phạm Quốc Cường luôn dành sự tri ân sâu sắc và những lời biết ơn đối với các thầy cô giáo qua các thế hệ, những người đã dìu dắt, nâng đỡ để anh trưởng thành. Trong tập thơ Bóng Tình, anh thể hiện lòng kính trọng và biết ơn qua những câu thơ chân thành: “Thuyền bơi sóng nước mênh mông/ Không bằng con chữ thầy cô để đời/ Lời thơ em chép ra đây/ Lòng thành tôn tỏ đến cô với thầy”.
Cùng đồng hành với tác giả trong “Bóng Tình” là ba cây bút trẻ: Lê Hùng Mạnh, Nguyễn Tiến Sơn (Cao Sơn), và Lê Thị Thu Huyền. Các tác giả này đã thổi vào tập thơ những hơi thở của cuộc sống, tô điểm thêm sắc màu mới mẻ trong từng câu chữ, khiến tác phẩm trở nên phong phú và đong đầy cảm xúc. Thông qua đó, tập thơ lan tỏa tình yêu thương gia đình, lòng biết ơn cha mẹ, và đặc biệt là tình yêu đối với con người, quê hương, đất nước. Tập thơ cũng khắc họa một đất nước Việt Nam anh hùng, đang vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ, thịnh vượng và văn minh của dân tộc.