Ngôi làng cổ lưu giữ những nét đẹp văn hóa và giá trị truyền thống đặc sắc. Ảnh: Báo PLVN
Nằm bên dòng sông Đăk Bla thơ mộng, làng Kon K’Tu là một bảo tàng sống động về văn hóa Ba Na. Những ngôi nhà sàn truyền thống với mái tranh nghiêng nghiêng hòa quyện cùng thiên nhiên, tạo nên một bức tranh làng quê Việt Nam đậm chất truyền thống.
Sông Đăk Bla là một trong số ít dòng sông ở Việt Nam chảy theo hướng Đông – Tây, nên người dân địa phương thường gọi nó là “dòng sông chảy ngược”. Chính sự kỳ lạ này đã làm cho Đăk Bla trở thành biểu tượng đặc trưng của vùng đất Kon Tum. Dọc theo bờ sông là làng Kon K’Tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), nơi mà nhịp sống vẫn gắn bó mật thiết với dòng sông huyền bí này.
Từ thành phố Kon Tum, chỉ cần đi về hướng mặt trời mọc khoảng 8 km, chúng ta sẽ đến với làng văn hóa Kon K’Tu. Đây là nơi sinh sống của cộng đồng người Ba Na với 138 hộ dân và gần 800 nhân khẩu. Trải qua bao năm tháng thay đổi của thời đại, nhưng làng Kon K’Tu vẫn bảo tồn được những giá trị văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên. Người dân nơi đây vẫn gìn giữ và phát huy các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát.
Tại trung tâm làng Kon K’Tu, một căn nhà rộng lớn nổi bật lên như biểu tượng của sự đoàn kết và bình yên cho người dân. Được xem là ngôi làng cổ nhất ở thành phố Kon Tum, Kon K’Tu vẫn giữ nguyên nét kiến trúc độc đáo của người Ba Na với những ngôi nhà sàn truyền thống mang đậm phong cách “làng vòm” đặc trưng, lưu giữ dấu ấn của nền văn hóa lâu đời qua bao thế hệ. Bên cạnh làng, dòng sông Đăk Bla hiền hòa chảy êm ả, như một nguồn sống bất tận nuôi dưỡng cả cộng đồng. Người dân nơi đây gắn bó chặt chẽ với dòng sông, từ việc đánh bắt tôm cá, lấy nước sinh hoạt đến tưới tiêu cho những cánh đồng hoa màu bát ngát. Đăk Bla không chỉ là một dòng sông mà còn là mạch nguồn sinh khí, mang đến sự sống và thịnh vượng cho cả ngôi làng.
Trưởng thôn A Đưn, người tự hào là con của làng Kon K’Tu không giấu được niềm vui khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có bề dày truyền thống ấy. Người Ba Na ở đây luôn mang trong mình nhiệt huyết bảo vệ đất, bảo vệ làng và gìn giữ bản sắc văn hóa qua thử thách của thời gian. Tuy bảo tồn, nhưng bà con cũng không ngừng học hỏi, kết hợp với lớp trẻ để quảng bá những giá trị truyền thống của làng đến với du khách trong và ngoài nước.
Sản phẩm thủ công được làm từ những nguyên liệu thiên nhiên, mang đậm hơi thở của núi rừng Tây Nguyên
Bước chân vào làng Kon K’Tu, du khách sẽ được đắm mình trong không gian yên bình của làng quê. Tiếng khung cửi lạch cạch hòa cùng tiếng nước chảy róc rách, tạo nên một bản giao hưởng về cuộc sống thường ngày của người dân Ba Na.
Chị Y Xanh, một trong những nghệ nhân dệt thổ cẩm tài hoa nhất làng Kon K’Tu đã góp phần đưa nghề dệt truyền thống của dân tộc Ba Na đến gần hơn với du khách. Nhờ đó, những sản phẩm thổ cẩm không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn trở thành nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Chị Y Xanh chia sẻ: “Từ xưa, con gái làng tôi lớn lên đã quen thuộc với khung cửi, còn con trai thì luôn bên cạnh cha mình học cách đan lát. Đó là truyền thống của làng, là cách chúng tôi giáo dục con cháu về văn hóa dân tộc”.
Gia đình ông A Hùng (62 tuổi) và vợ Y Mưk (62 tuổi) là một cặp vợ chồng tài hoa trong làng. Ông Hùng nổi tiếng với nghề đan lát còn bà Y Mưk thì có tiếng trong việc dệt thổ cẩm. Chính vì vậy, vợ chồng ông bà thường xuyên giúp đỡ người làng và học sinh làm các đồ thủ công mỹ nghệ trong các dịp lễ hội hay hoạt động cộng đồng. Ông A Hùng chia sẻ: “Làng có thay đổi nhiều so với trước, nhiều ngôi nhà mới mọc lên nhưng bà con vẫn sống chủ yếu nhờ vào nghề dệt và đan lát. Tôi có tám người con, mỗi đứa đều chọn cho mình một nghề để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cuối tuần chúng lại về tìm vợ chồng tôi học đan lát và dệt thổ cẩm. Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vì lớp trẻ vẫn đam mê nghề truyền thống và cùng chúng tôi bảo tồn được ngôi làng cổ này.”
Phát huy tiềm năng du lịch của làng Kon K’Tu
Ông Nguyễn Bá Tâm, Giám đốc HTX Du lịch – Nông nghiệp Đăk Rơ Wa, cho biết: “Chúng tôi mong muốn biến Đăk Rơ Wa thành một điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn, nơi du khách có thể khám phá vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa độc đáo của người Ba Na. Chúng tôi tin rằng, việc phát triển du lịch sẽ góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống”.
Theo ông Tâm, mục tiêu của dự án là kết hợp giữa phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa. Khu du lịch không chỉ là nơi để du khách nghỉ dưỡng mà còn là nơi để họ khám phá và trải nghiệm những giá trị văn hóa độc đáo của người Ba Na.
Ông Lê Văn Thiên, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa, chia sẻ: “Làng Kon K’Tu như một bức tranh thủy mặc giữa núi rừng Tây Nguyên. Với dòng sông Đăk Bla hiền hòa và những nét văn hóa độc đáo của người Ba Na, nơi đây luôn có sức hút đặc biệt đối với du khách. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động không nhỏ đến hoạt động du lịch của làng. Chúng tôi mong muốn phát triển du lịch một cách bền vững, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, vừa bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Ba Na”.
Ông Thiên nhấn mạnh, thời gian tới, chính quyền và người dân làng Kon K’Tu sẽ cùng chung tay kiến tạo lại cảnh quan xanh mát, sạch, đẹp, biến ngôi làng trở thành điểm đến hấp dẫn hơn nữa. Đồng thời, xã sẽ giới thiệu nhiều mô hình du lịch trải nghiệm độc đáo, kết hợp bảo tồn những giá trị văn hóa quý báu đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Việc quảng bá làng Kon K’Tu sẽ được đẩy mạnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trang mạng xã hội, để đưa hình ảnh ngôi làng cổ kính này đến với đông đảo bạn bè trong và ngoài nước.