Vở diễn "Mặt trời đêm thế kỷ" tái hiện góc khuất của vị hoàng đế Quang Trung. Ảnh: Ngọc Bích
Tối ngày 3/2/2025, tại lễ hội Gò Đống Đa, trong không gian trang nghiêm, ý nghĩa của lễ hội, hòa chung với niềm hân hoan mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới, cũng là ngày 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã trình diễn vở “Mặt trời đêm thế kỷ”, tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ. Vở cải lương khắc họa sâu sắc những góc khuất trong cuộc đời vị anh hùng áo vải, từ các quyết định chiến lược đến những trăn trở cá nhân, mang đến cho khán giả góc nhìn mới mẻ về nhân vật lịch sử này.
Lễ hội Gò Đống Đa năm nay diễn ra trong không khí trang trọng và hào hùng, đánh dấu kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789). Đây là một dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Nghĩa quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Quang Trung – Nguyễn Huệ đã đánh bại hơn 29 vạn quân Mãn Thanh, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Chương trình diễn ra trong ba ngày, từ 2/2 đến 4/2, được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử lễ hội, các hoạt động được tổ chức vào buổi tối, tạo nên không gian vừa trang nghiêm, linh thiêng vừa sôi động, góp phần tạo nên điểm nhấn đặc biệt cho sự kiện.
Không chỉ là sự kiện văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử, lễ hội năm nay còn có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra đúng dịp kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2), nhắc nhớ về chặng đường đấu tranh kiên cường, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.
Trong khuôn khổ lễ hội, vở cải lương “Mặt trời đêm thế kỷ” do Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng công phu đã khắc họa rõ nét cuộc đời và sự nghiệp của vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, từ những gian nan trong cuộc chiến giành độc lập cho dân tộc đến những chiến thắng vang dội trong lịch sử, đặc biệt là chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa.
Vở diễn không chỉ tái hiện những quyết định chiến lược quan trọng của ông mà còn đi sâu vào những góc khuất trong cuộc đời vị anh hùng áo vải, từ những trăn trở về đất nước đến những lo toan cá nhân. Các nhân vật như Ngọc Hân và Thọ Hương cũng được đặc biệt khai thác, qua đó làm nổi bật chân dung người anh hùng Nguyễn Huệ với những tình huống éo le trong gia đình và tình nghĩa quốc gia. Đặc biệt, đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai đã khéo léo khai thác sự đau đớn của Nguyễn Huệ khi phải đưa ra những quyết định khó khăn vì sự an nguy của dân tộc. Như việc giết cháu rể, dù người vợ Ngọc Hân vẫn kiên định với quyết định ấy vì lợi ích quốc gia.
Mâu thuẫn giữa ba anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đã dần nảy sinh, dẫn đến sự chia rẽ trong gia đình. Ba anh em không còn nắm tay nhau nữa gây nên bi kịch trong lịch sử Tây Sơn. Ngay giữa lúc này, vợ của Nguyễn Huệ là công chúa Ngọc Hân quyết định phò tá chồng, giúp ông xưng vương để bảo vệ giang sơn bờ cõi, vì đời sống của muôn dân.
Khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ thông qua vở cải lương “Mặt trời đêm thế kỷ” có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu lịch sử dân tộc một cách rõ nét và sống động nhất. Thông qua các loại hình nghệ thuật dân tộc, điển hình là cải lương, những chiến công oanh liệt, hy sinh thầm lặng của các anh hùng dân tộc được khắc họa rõ nét. Vở diễn không chỉ tái hiện các sự kiện lịch sử mà còn khai thác sâu sắc tâm lý, động cơ của các nhân vật lịch sử, giúp khán giả cảm nhận được những quyết định khó khăn vì lợi ích của dân tộc.
Chị Hạnh, một khán giả tham gia lễ hội chia sẻ: “Vở diễn mang đến những triết lý nhân sinh sâu sắc, giữ nguyên giá trị thời đại cho đến nay. Mỗi con chữ trong vở diễn đều cần suy ngẫm và thấm đẫm bài học lịch sử. Đây không chỉ là sự tái hiện quá khứ mà còn là bài học giáo dục đầy ý nghĩa, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những hy sinh thầm lặng đằng sau những chiến công lẫy lừng của các anh hùng dân tộc, để rồi trân trọng những cống hiến vĩ đại cho đất nước”,
Ngọc Bích