Xuất phát từ những lời ca, tiếng hát dân dã, mộc mạc, nghệ thuật bài chòi đã khẳng định chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả nhiều thế hệ. Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật này không chỉ là trách nhiệm của mỗi người nghệ nhân, nghệ sĩ mà còn là nhiệm vụ chung của cộng đồng, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Di sản văn hóa phi vật thể: Chứng tích lịch sử, cầu nối tương lai
Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 7/12/2017, nổi tiếng với tính đại chúng, dễ nghe, dễ hiểu. Bốn làn điệu chính tạo nên sự phong phú của bài chòi bao gồm: Xàng xê, Xuân nữ, Cổ bản và hò Quảng.
Đà Nẵng có sáu Nghệ nhân Ưu tú bài chòi, bao gồm: Hồ Thanh Châu, Phạm Hồng Thái, Lê Văn Dân, Đỗ Hữu Quế, Võ Thị Ninh và Văn Phước Phô. Dẫu vậy, khi ánh đèn sân khấu bừng sáng, ngọn lửa nghề thôi thúc họ cống hiến vì những giá trị nhân văn, bác ái.
Nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Thái (56 tuổi), trú tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng đã có 40 năm gắn bó với nghệ thuật bài chòi. Ông chia sẻ về cơ duyên đến với bài chòi bắt đầu từ những năm tháng thanh niên khi tham gia đoàn thông tin lưu động xã Hòa Phong. Tại đây, ông có cơ hội tiếp xúc với các nghệ nhân ca kịch và bén duyên với nghiệp trình diễn bài chòi cho đến tận bây giờ. “Vai trò chính của tôi trong đoàn là một nhạc công. Tuy nhiên do quá say mê nghệ thuật bài chòi, tôi đã tự tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn về nó ngoài thời gian biểu diễn. Thực chất, nghệ thuật bài chòi không quá phức tạp, khoa học. Chính nhờ tính dân dã mà hầu như mọi lứa tuổi đều yêu thích bài chòi. Những năm qua, mỗi khi Câu lạc bộ bài chòi Sông Yên của chúng tôi đi biểu diễn, người dân các làng xã đều nhiệt tình ủng hộ” Ông thái chia sẻ.
Các câu lạc bộ bài chòi thường sử dụng hình thức biểu diễn để truyền tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Tính linh hoạt của nghệ thuật này được thể hiện ở chỗ mọi câu ca dao, tục ngữ đều có thể trở thành lời ca. Người hô hát khéo léo kết hợp bốn làn điệu để tạo nên những màn trình diễn mới mẻ, thu hút sự quan tâm của khán giả.
Các kịch bản bài chòi theo hướng tuyên truyền thường có thời lượng dưới năm phút, mang nét trình diễn dí dỏm giúp người dân dễ dàng tiếp thu và hiểu đúng các thông tin . Đặc biệt, tính cách bộc trực, thẳng thắn của người miền Trung rất phù hợp với việc truyền tải thông tin một cách trực tiếp, hiệu quả thông qua bài chòi.
Nghệ nhân Phạm Hồng Thái vẫn còn lưu giữ trong ký ức những hình ảnh đẹp về những năm 90 của thế kỷ trước, khi mà người dân các làng xã luôn mong chờ sự xuất hiện của đoàn bài chòi. Vào thời điểm đó, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, chủ yếu là lao động nông nghiệp vất vả. Những buổi biểu diễn bài chòi là dịp hiếm hoi để họ được thư giãn và tận hưởng những giây phút vui vẻ. Ông Thái nhớ lại rằng mỗi khi đoàn bài chòi của ông đến biểu diễn, sân vận động xã đều không còn chỗ trống. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao đối với những người nghệ sĩ như ông.
Trong bối cảnh xây dựng thế hệ kế thừa cho nghệ thuật bài chòi, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hồng Thái đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo từ sớm. Theo ông, độ tuổi lý tưởng để bắt đầu quá trình bồi dưỡng và rèn luyện là từ 6 đến 10 tuổi. Ông giải thích rằng, ở lứa tuổi này trẻ em có khả năng tiếp thu và cảm thụ âm nhạc một cách tự nhiên và dễ dàng hơn, đặc biệt là đối với loại hình nghệ thuật truyền thống như bài chòi.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi, các trường học trên địa bàn huyện Hòa Vang đã tích cực triển khai các hoạt động giáo dục, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ. Theo đó, tất cả các trường tiểu học và trung học cơ sở đều đã thành lập câu lạc bộ “Em hát dân ca” nhằm tạo nền tảng cho việc đào tạo bài chòi. Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hồng Thái là người trực tiếp tham gia giảng dạy và hướng dẫn cho các em học sinh trong các câu lạc bộ này.
Trải nghiệm nét duyên đậm tình của đất và người dân xứ Quảng
Đối với nghệ sĩ Huyền Tân (tên thật là Nguyễn Thị Phú Tân, 40 tuổi), Chủ nhiệm Câu lạc bộ bài chòi Sông Hàn, ca khúc “Về đây với phố tình thâm” của Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Linh chính là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong hành trình đến với dân ca của mình. Bà chia sẻ: “Ngày còn nhỏ, tôi đã rất yêu thích nhạc truyền thống, đặc biệt là tuồng cổ và cải lương. Nhưng phải đến khi học trung học cơ sở, tôi mới thực sự biết đến dân ca thông qua ca khúc này”.
Trong nghệ thuật bài chòi, đàn bầu là một trong những nhạc cụ quan trọng góp phần tạo nên sự đặc sắc của loại hình nghệ thuật này. Nghệ sĩ Huyền Tân, một người luôn dành tình cảm đặc biệt cho đàn bầu chia sẻ rằng, mỗi khi nghe tiếng đàn bầu, chị cảm thấy như được truyền thêm năng lượng để có thể hát hàng trăm câu hát trên sân khấu. Mặc dù có câu ca dao xưa “Ðàn bầu ai gảy nấy nghe/ Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu” nhưng với chị Huyền Tân, đàn bầu lại là nguồn cảm hứng bất tận.
Hành trình đến với nghệ thuật bài chòi của chị Huyền Tân không hề dễ dàng. Năm 2018, chị đã đưa ra một quyết định táo bạo: từ bỏ công việc văn phòng ổn định để theo đuổi đam mê hô hát bài chòi. Tuy nhiên, con đường này đầy chông gai bởi lẽ số lượng người theo đuổi bộ môn nghệ thuật này không nhiều và số lượng những người thầy có thể dạy bài chòi ở miền Trung chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong quá trình xây dựng nền tảng kiến thức về nghệ thuật bài chòi, nghệ sĩ Huyền Tân đã nhận được sự dìu dắt và hướng dẫn tận tình từ nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Linh. Theo đó, một buổi biểu diễn bài chòi đạt chuẩn cần phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe bao gồm chất lượng giọng hô hát, sự hài hòa giữa nội dung lời hát với không gian, hoàn cảnh và đối tượng thưởng thức.
“Từ tiếng đàn đến lời ca trong bài chòi đều chứa đựng những giá trị đạo đức sâu sắc, hướng con người đến những điều tốt đẹp. Mỗi khi đứng trên sân khấu, cảm xúc của chúng tôi thường thay đổi theo từng lời hát và tâm trạng của khán giả. Bộ 30 thẻ bài chòi không chỉ là những trò chơi dân gian mà còn là biểu tượng của niềm tự hào và niềm tin về vẻ đẹp văn hóa, con người Việt Nam. Với tôi, mỗi ngày được nghe một vài câu hát bài chòi hay những giai điệu nhạc quê hương là niềm hạnh phúc lớn lao”, nghệ sĩ Huyền Tân chia sẻ.
Bài chòi không chỉ là một hình thức giải trí mà còn là một phương tiện truyền tải thông điệp hiệu quả. Những quan điểm và ý tứ trong cuộc sống được lồng ghép một cách khéo léo và uyển chuyển vào nội dung bài chòi, giúp người nghe vừa thư giãn vừa tiếp thu được những thông điệp tích cực.
Trong những năm gần đây, các anh hiệu, chị hiệu của Câu lạc bộ bài chòi Sông Hàn đã dần quen mắt với công chúng thành phố Đà Nẵng. Sự nỗ lực không ngừng của họ đã góp phần đưa nghệ thuật này đến gần hơn với khán giả. Bên cạnh đó, câu lạc bộ cũng đã phát hiện và bồi dưỡng được một số nhân tố đầy triển vọng, hứa hẹn sẽ tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị của bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Anh Phan Ngọc Sa, người con của quê hương Quảng Nam sở hữu một chất giọng thiên phú, hội tụ đầy đủ các yếu tố để trình diễn bài chòi. Trên con đường sự nghiệp của mình, anh đã từng bước trưởng thành từ vị trí người chạy cờ, người hát phụ cho đến khi trở thành một nghệ nhân hát chính. Anh Sa luôn nỗ lực tiếp thu và hoàn thiện các kỹ năng biểu diễn, cũng như khả năng xử lý linh hoạt trên sân khấu.
Khi anh Phan Ngọc Sa đề xuất tách khỏi Câu lạc bộ bài chòi Sông Hàn để trở về quê hương và thành lập một đội bài chòi mới tại thôn Tỉnh Thủy, xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam, chị Huyền Tân đã tin tưởng rằng nỗ lực phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi đã có thêm một “mầm xanh” đầy triển vọng.
Nghệ sĩ Huyền Tân chia sẻ: “Việc bảo tồn nghệ thuật bài chòi không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân hay một nhóm người mà là của cả cộng đồng. Chúng tôi là thế hệ đi trước luôn sẵn sàng truyền lại những kinh nghiệm và tâm huyết của mình cho thế hệ sau. Nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ, “thổi bùng ngọn lửa” đam mê cho bài chòi, thì có thể một ngày nào đó nó sẽ chỉ còn là quá khứ”.
Nghệ thuật bài chòi đòi hỏi sự tương tác chặt chẽ giữa người biểu diễn và khán giả. Người hô hát cần có giọng ca truyền cảm, kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện trong khi nhạc công cần có khả năng cảm thụ âm nhạc sâu sắc, kỹ năng sử dụng nhạc cụ thành thạo. Do đó, trong thời gian tới cần đặc biệt chú trọng đến công tác bồi dưỡng thế hệ trẻ có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu của bộ môn nghệ thuật truyền thống này.