Câu ca dao “Ai về Bình Định mà coi. Con gái Bình Định cầm roi, đi quyền” đã khắc sâu trong lòng mỗi người dân Bình Định – quê hương nổi tiếng với danh hiệu “miền đất võ”. Hiện nay, võ cổ truyền Bình Định đang được xây dựng hồ sơ khoa học để đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể.
Võ cổ truyền Bình Định là sự kết tinh của nhiều dòng võ phái mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa. Sự giao thoa giữa các trường phái đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, là nguồn cảm hứng để phát triển, hoàn thiện và bổ sung vào kho tàng di sản võ học phong phú của dân tộc.
Bình Định nổi bật với hàng chục làng võ truyền thống, mỗi làng võ không chỉ gắn liền với một địa danh mà còn là dấu ấn văn hóa tồn tại hàng thế kỷ. Mỗi “lò võ” nơi đây đều có những truyền nhân xuất sắc, những người đã khẳng định tên tuổi và tạo nên sự khác biệt cho từng môn phái võ cổ truyền Bình Định.
Hiện nay, có 2 đại võ sư quốc tế, 50 đại võ sư, 21 võ sư cao cấp, 101 võ sư và hơn 12.000 võ sinh đến từ 185 võ đường, câu lạc bộ tham gia luyện tập và phát triển võ cổ truyền Bình Định.
Vào năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức ghi danh võ cổ truyền Bình Định là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mới đây, vào đầu tháng 1 năm 2025 tại Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh Bình Định, Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh đã tổ chức Lễ cúng tổ võ cổ truyền Bình Định. Lễ cúng nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao của Hoàng đế Quang Trung cùng các võ tướng, tiền nhân đã góp phần xây dựng và phát triển võ cổ truyền Bình Định. Đồng thời, sự kiện nhằm tôn vinh giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống võ học và khuyến khích việc tiếp nối gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa võ thuật này trong tương lai.
Cùng với đó, hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức bởi Sở Văn hóa – Thể thao Bình Định phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) với chủ đề “Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể cùng võ cổ truyền Bình Định”. Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng nhau thảo luận, nhận diện giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói chung và võ cổ truyền Bình Định nói riêng. Đồng thời, đây cũng là dịp để thúc đẩy việc hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO nhằm ghi danh võ cổ truyền Bình Định vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.sao
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh rằng võ cổ truyền Bình Định với nền tảng lịch sử, văn hóa và triết lý sống sâu sắc là một trong những di sản phi vật thể cần được nhận diện, bảo vệ và phát huy. Võ cổ truyền Bình Định không chỉ là một môn võ thuật, mà còn là sự kết tinh của tinh thần thượng võ, ý chí tự cường và văn hóa ứng xử cao đẹp của người Việt. Những bài quyền, thế võ, võ y và võ đạo đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, phản ánh rõ nét bản sắc đặc trưng của mảnh đất và con người Bình Định.
Theo các đại biểu, việc lập hồ sơ đề cử võ cổ truyền Bình Định vào danh sách di sản thế giới của UNESCO là một nhiệm vụ quan trọng của quốc gia không chỉ nhằm bảo vệ di sản cho các thế hệ hiện tại và tương lai mà còn là cơ hội để quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, đồng thời khẳng định vị thế của Bình Định và Việt Nam trên bản đồ di sản văn hóa toàn cầu.