Những ngày cận Tết, sân bay Tân Sơn Nhất trở thành nơi kết nối những trái tim xa xứ. Hàng triệu hành khách, trong đó không ít người Việt từ khắp nơi trên thế giới trở về quê hương, mang theo hành lý và cả nỗi nhớ da diết. Họ quay về để đoàn tụ gia đình, cảm nhận không khí Tết ấm áp, và để tiếp tục viết những chương mới trong hành trình cuộc sống của mình.
Ánh mắt bà Lê Thị Lê Thủy (62 tuổi, ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh) không rời khỏi bảng điện tử tại sảnh chờ sân bay Tân Sơn Nhất. Cả gia đình bà đang háo hức chờ đón đứa con gái út từ Mỹ về quê ăn Tết. 8 năm xa cách, kể từ ngày con gái lấy chồng và sang Mỹ, đây là lần đầu tiên cả nhà được đoàn tụ trong dịp Tết Nguyên đán. Niềm vui và sự háo hức hiện rõ trên gương mặt của mỗi thành viên trong gia đình.
“Lần này nó về mang theo cả gia đình nhỏ. Đứa cháu ngoại nó lớn bấy nhiêu tui mới có dịp bồng bế. Nhớ con, nhớ cháu đến nỗi từ lúc nó báo tin về ăn Tết là tui cứ nôn nao không yên. Cả nhà tui, từ hai chị, anh trai đến mấy đứa cháu nội ngoại đều háo hức chờ đón. Đi đón cùng tui hôm nay, ai cũng mang theo một tâm trạng thật đặc biệt. Chồng tui mất đã gần 10 năm rồi, giờ chỉ mong cả nhà được quây quần bên nhau. Máy bay vừa hạ cánh, tui đã nhìn thấy con gái từ xa. Cái ôm siết thật chặt, những giọt nước mắt hạnh phúc đã nói lên tất cả”, Bà Thủy chia sẻ.
Đối với những người con xa quê, Tết không chỉ là dịp lễ mà còn là nỗi nhớ da diết về ngôi nhà thân yêu. Dù cuộc sống ở nước ngoài có tiện nghi đến đâu, họ vẫn luôn mong mỏi được trở về nơi chôn rau cắt rốn, được quây quần bên mâm cơm gia đình và được tận hưởng không khí Tết ấm áp.
Với ông Nguyễn Văn Hoàng, 65 tuổi, kiều bào tại Đức, hành trình về quê ăn Tết không chỉ là một chuyến đi mà còn là một cuộc trở về với quá khứ. Ngôi nhà xưa ở phường Phước Long, thành phố Thủ Đức vẫn luôn là nơi ông dành trọn tình cảm. Dù đã 20 năm xa cách, những kỷ niệm tuổi thơ vẫn in đậm trong tâm trí ông. Mỗi bước chân trở về, ông Hoàng như được sống lại những khoảnh khắc đẹp đẽ của một thời đã xa. Căn nhà xưa, dù đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn mang đến cho ông cảm giác ấm áp, bình yên.
Quyết định trở về quê hương ăn Tết của nhiều kiều bào không chỉ xuất phát từ tình cảm gia đình mà còn là trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng. Họ muốn con cái mình hiểu được ý nghĩa sâu sắc của Tết, biết ơn những người đã sinh thành ra mình và góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc
Đối với những đứa trẻ lớn lên ở nước ngoài, Tết Nguyên đán là một hành trình khám phá đầy thú vị. Chúng được học cách gói bánh chưng, cùng gia đình chuẩn bị mâm ngũ quả, đi chùa đầu năm và nhận lì xì. Những trải nghiệm này giúp các em hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó hình thành nên tình yêu quê hương đất nước. Như anh Tuấn, một kiều bào tại Úc đã chia sẻ, các con anh rất hào hứng khi được tìm hiểu về phong tục tập quán của người Việt và tự hào về nguồn gốc của mình.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, những người con xa xứ vẫn luôn mong muốn được trở về quê hương ăn Tết. Bởi vì, Tết không chỉ là một dịp lễ mà còn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt. Việc được sum họp gia đình, được sống lại những ký ức tuổi thơ và được truyền dạy cho con cháu những giá trị văn hóa truyền thống là những điều mà họ trân trọng nhất.