Ngày ông Công ông Táo hay còn gọi là Tết ông Công ông Táo là một ngày lễ truyền thống của người Việt Nam, thường được tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm.
Cúng ông Công ông Táo mang ý nghĩa đặc biệt
Theo quan niệm dân gian, vào ngày này, hai vị thần cai quản bếp núc và đất đai trong nhà sẽ cưỡi cá chép lên trời để báo cáo Ngọc Hoàng về những công việc của gia đình trong năm qua.
Việc cúng ông Công ông Táo thể hiện lòng thành kính của gia chủ đối với các vị thần đã có công cai quản, bảo vệ gia chủ trong suốt một năm qua, đồng thời, cầu mong năm mới bình an, hạnh phúc và may mắn. Đây cũng là dịp để gia đình sum họp, cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ, dọn dẹp nhà cửa, tạo không khí ấm cúng và gần gũi.
Chuẩn bị mâm cúng ông Công ông Táo
Mâm cúng ông Công ông Táo thể hiện tấm lòng thành kính của gia chủ đối với các vị thần linh. Lễ cúng bao gồm mâm cúng mặn, gồm các món ăn ẩm thực tinh hoa người miền Bắc như: bánh chưng, canh rau củ, giò, nộm, thịt rang,… và bộ mã ông Táo, cá chép, hoa quả, tiền vàng,… Tùy theo từng vùng miền, mâm cúng có thể có những đặc trưng riêng nhưng đều chung một mục đích là cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc.
Những lưu ý khi thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo
Trước khi tiến hành lễ cúng ông Công ông Táo, gia chủ cần thanh tịnh thân tâm, trang phục kín đáo, chỉnh tề. Thời điểm thích hợp để cúng là từ ngày 19 tháng Chạp, cần tránh làm lễ vào ngày Rằm hoặc sau giờ Ngọ ngày 23. Sau khi tiến hành nghi thức cúng bái mới thực hiện việc thanh tẩy bàn thờ.
Lễ vật cúng có thể tùy thuộc vào điều kiện và phong tục của từng gia đình, tuy nhiên cần đảm bảo tiêu chí sạch sẽ, gọn gàng. Trong nghi thức cúng bái, gia chủ cần lưu ý đến số lượng hương. Theo truyền thống, số lượng hương nên là số lẻ để thể hiện sự thành kính. Sau khi thắp hương, phải chờ đến khi hương tàn khoảng 2/3 thì mới tiến hành hóa vàng.
Để thể hiện lòng thành kính, khi thả cá chép, gia chủ nên thực hiện một cách nhẹ nhàng. Tránh ném cá xuống nước và lựa chọn những nơi có nguồn nước sạch để thả cá.