Với quyết định trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 1/1/2025, Huế bước vào một giai đoạn phát triển mới, nơi di sản và hiện đại song hành. Giữ trọn hồn cốt Cố đô, bảo tồn giá trị văn hóa nghìn năm nhưng vẫn bứt phá mạnh mẽ để vươn tầm, Huế đang kiến tạo một mô hình đô thị đặc biệt – nơi quá khứ và tương lai hòa quyện, tạo nên bản sắc riêng, bền vững và thịnh vượng.
So với các thành phố trực thuộc Trung ương khác, Huế nổi bật với những bản sắc riêng biệt. Là mảnh đất Cố đô, thành phố di sản và nơi tổ chức Festival đặc sắc, Huế hội tụ đầy đủ yếu tố tự nhiên đa dạng như núi, sông, biển, đầm phá, gò đồi và khu bảo tồn thiên nhiên, tạo nên một bức tranh phong cảnh hài hòa.
Với Nghị quyết 54-NQ/TW, Huế được định hướng phát triển theo một con đường riêng biệt, trở thành “Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô, giữ gìn bản sắc văn hóa Huế, kết hợp với các yếu tố đặc trưng về văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, cùng môi trường sống thân thiện và thông minh”.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Phương, trăn trở về thách thức lớn nhất khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương: Làm sao dung hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị, để vừa gìn giữ bản sắc Cố đô, vừa thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tương lai.
Ông Phương nhấn mạnh: “Huế xác định phải đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế, song luôn kiên định mục tiêu phát triển gắn với giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa; mặc dù điều này có ảnh hưởng, có thể làm hạn chế một phần đến việc phát triển kinh tế – xã hội”.
Để đạt được sự cân bằng giữa phát triển đô thị và bảo tồn di sản, quy hoạch phát triển đô thị đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Quá trình xây dựng quy hoạch cần xác định rõ các không gian phát triển, phân định rõ khu vực nén đô thị, khu vực bảo vệ cảnh quan và di sản, cũng như các khu vực tập trung phát triển các chức năng đô thị. Quy hoạch phải đảm bảo không ảnh hưởng đến các khu vực di tích, tạo ra sự đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại.
Trên nền tảng phương án quy hoạch và kịch bản phát triển đã được xác định, thành phố Huế sẽ huy động mọi nguồn lực để đầu tư đồng bộ vào kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại. Các dự án trọng điểm sẽ được triển khai với tiến độ nhanh chóng, nhằm tạo ra các kết nối lan tỏa và mở ra không gian phát triển mới.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, cần tăng cường huy động các nguồn lực và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tận dụng tối đa các lợi thế của địa phương. Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, trong khi công nghệ thông tin và truyền thông là yếu tố then chốt tạo đột phá. Đồng thời, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.
Về công tác bảo tồn di sản và văn hóa, ông Nguyễn Văn Phương cho biết, Huế là địa phương duy nhất trên cả nước sở hữu 8 di sản văn hóa được UNESCO công nhận, bao gồm 6 di sản riêng biệt của Huế và 2 di sản chung với các tỉnh khác thuộc khu vực Trung Bộ cùng gần 1.000 di tích lịch sử.
Năm 2025, Huế sẽ ưu tiên tất cả các nguồn lực để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Cố đô một cách bền vững, theo phương châm “bảo tồn gắn liền với phát triển”. Thành phố cũng chú trọng phát huy bản sắc văn hóa Huế và con người Huế, đồng thời tạo dựng một môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, an toàn và thân thiện, nhằm thu hút nguồn lực đầu tư cho sự phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định: “Với các giải pháp này, Huế sẽ không chỉ bảo tồn được giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tạo ra một mô hình phát triển hài hòa giữa hiện đại và truyền thống”.
Huế tiếp tục tập trung đầu tư vào việc trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử của Cố đô Huế, đặc biệt là những công trình đang xuống cấp. Đồng thời, thành phố tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và chuyên gia nhằm áp dụng những phương pháp bảo tồn hiện đại. Chính quyền cũng chú trọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa để thu hút du khách mà không làm ảnh hưởng đến các giá trị di sản. Các chương trình giáo dục cộng đồng về bảo tồn văn hóa đã được triển khai và sẽ được mở rộng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản và các phương thức bảo tồn hiệu quả.