Ngày 26/6, hiện tượng tuyết rơi bất ngờ tại sa mạc Atacama – vùng đất khô hạn nhất thế giới – đã khiến cộng đồng thiên văn học quốc tế sửng sốt. Thông tin được đăng tải trên nền tảng X (trước đây là Twitter) bởi các nhà khoa học tại Đài quan sát ALMA, kèm theo đoạn video ghi lại cảnh tượng hiếm có này.
Tuyết rơi trắng xóa trên sa mạc khô hạn nhất thế giới Atacama (Ảnh: X/ALMA) |
“KHÔNG THỂ TIN ĐƯỢC! Sa mạc Atacama – nơi khô hạn nhất thế giới – ĐANG PHỦ TRẮNG TUYẾT”, tài khoản chính thức của Đài quan sát ALMA viết, không giấu được sự kinh ngạc. Trong video, lớp tuyết mịn bao phủ lên các dải cát và địa hình đặc trưng của Atacama, tạo nên khung cảnh vừa siêu thực vừa kỳ vĩ, hiếm thấy tại khu vực vốn nổi tiếng vì sự khô cằn.
Theo thông tin từ ALMA, tuyết thường chỉ xuất hiện trên Cao nguyên Chajnantor – nơi đặt hệ thống kính viễn vọng ở độ cao hơn 5.000 mét – nhưng đây là lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua tuyết rơi xuống tận trụ sở chính của đài quan sát ở độ cao 2.900 mét so với mực nước biển.
Chuyên gia khí hậu Raul Cordero từ Đại học Santiago cho biết, còn quá sớm để khẳng định hiện tượng này là hệ quả trực tiếp của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông cảnh báo các mô hình dự báo khí hậu cho thấy những hiện tượng mưa tuyết tại Atacama có khả năng sẽ xuất hiện với tần suất cao hơn trong tương lai.
Sa mạc Atacama từ lâu được xem là địa điểm lý tưởng cho các công trình quan sát thiên văn nhờ điều kiện khí hậu cực kỳ khô ráo và bầu trời quang đãng quanh năm. Đây cũng chính là lý do ALMA – kính thiên văn vô tuyến hàng đầu thế giới – được đặt tại khu vực này.
Dự án ALMA là sự hợp tác giữa Tổ chức Quan sát phía Nam châu Âu (ESO), Đài Thiên văn Vô tuyến Quốc gia Mỹ (NRAO) và Đài Thiên văn Quốc gia Nhật Bản. Với hệ thống gồm 66 ăng-ten hoạt động ở bước sóng milimet và submilimet, ALMA được xem là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất giúp con người khám phá vũ trụ.
Hiện tượng tuyết rơi bất ngờ tại Atacama không chỉ làm dấy lên những câu hỏi về biến đổi khí hậu, mà còn mang đến cho các nhà khoa học cơ hội hiếm có để quan sát và nghiên cứu sự biến đổi của môi trường tại một trong những vùng khắc nghiệt nhất trên Trái Đất.